Ung thư tuyến tiền liệt: Triệu chứng, dấu hiệu và nguyên nhân là gì?
Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới Mỹ. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính cứ 41 người thì có 1 người tử vong vì ung thư tuyến tiền liệt, chỉ sau ung thư phổi. Vậy ung thư tuyến tiền liệt là gì mà nguy hiểm như vậy? Có thể phát hiện sớm căn bệnh quái ác này hay không? Cùng Genetica tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1, Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt là một cơ quan ở nam giới, nằm dưới bàng quang, phía trước ruột già (trực tràng). Nó góp phần trong việc sản sinh ra tinh dịch. Kích thước của tuyến tiền liệt có thể thay đổi theo độ tuổi.
Ở những người đàn ông trẻ, nó có kích thước bằng một quả óc chó, nhưng nó có thể lớn hơn ở những người cao tuổi. Nếu tuyến tiền liệt phát triển lớn sẽ gây triệu chứng bế tắc đường tiểu hay còn gọi là phì đại tiền liệt tuyến.
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu khi các tế bào trong tuyến tiền liệt phát triển ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến hình thành các khối u ác tính.
Ở giai đoạn đầu, bệnh có xu hướng tiến triển chậm, âm thầm mà không có những biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài. Ung thư tuyến tiền liệt có thể di căn sang các cơ quan khác, đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết.
Tin tốt là nếu được phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm, những người mắc ung thư tuyến tiền liệt thường có tiên lượng rất khả quan, có thể sống thêm nhiều năm sau đó.
2, Triệu chứng và dấu hiệu phát hiện ung thư tuyến tiền liệt
Đa số bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có rất ít triệu chứng bất thường khi ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên bạn có thể chú ý theo dõi sức khỏe bản thân và phát hiện những dấu hiệu bất thường dưới đây:
Các vấn đề khi đi tiểu
- Tiểu khó, tiểu rắt, thường xuyên đi tiểu, đặc biệt là vào ban đêm
- Đau hoặc nóng rát mỗi khi đi tiểu
- Xuất hiện máu trong nước tiểu
Khi quan hệ tình dục, có thể gặp phải các triệu chứng
- Khó cương cứng (rối loạn cương dương)
- Đau khi xuất tinh
- Có máu trong tinh dịch
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có thể bị đau lưng, hông, xương chậu, tê chân, tê bàn chân. Mặc dù những biểu hiện này không chắc chắn đó là ung thư, nhưng nếu chúng kéo dài dai dẳng hoặc khiến bạn bận tâm, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
3, Có nên khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt?
Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển âm thầm hoặc có những biểu hiện ra ngoài cũng bị xem nhẹ. Do đó, hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt chỉ được phát hiện khi ung thư đã di căn gây nhiều đau đớn cho người bệnh.
Dù được điều trị nhưng ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển rất nhanh chóng và gây tử vong nếu bệnh đã ở mức độ nặng. Vậy câu hỏi được đặt ra là có nên khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt hay không?.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo chỉ nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt ở những người có nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao bao gồm những đối tượng sau:
- Tuổi 55 - 69
- Có cha hoặc anh em trai mắc ung thư tuyến tiền liệt
- Nguy cơ cao đối với những người có người thân mắc ung thư tuyến tiền liệt khi còn trẻ
Việc khám sàng lọc sẽ được thực hiện bằng xét nghiệm máu dành riêng cho kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA) và kiểm tra trực tràng kỹ thuật số (DRE). Thời gian giữa các lần sàng lọc trong tương lai phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm máu PSA.
Nếu chỉ số PSA của bạn dưới 2,5 ng/mL có thể chỉ cần xét nghiệm lại sau mỗi 2 năm/lần. Sàng lọc nên được thực hiện hàng năm đối với người có mức PSA từ 2,5 ng/mL trở lên.
Tầm soát ung thư với ưu điểm giúp phát hiện sớm khối u ác tính, song cũng không tránh khỏi nhược điểm như kết quả sàng lọc có thể dương tính giả. Điều này có nghĩa là bạn có thể sẽ nhận được kết quả xét nghiệm bất thường trong khi bạn không mắc ung thư.
Sự nhầm lẫn này dẫn đến hậu quả bạn phải thực hiện nhiều xét nghiệm chuyên sâu đắt tiền và phức tạp hơn. Tâm lý của bạn và cả gia đình cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ về lợi ích cũng như tác hại của tầm soát ung thư tuyến tiền liệt trước khi thực hiện biện pháp.
Có thể thấy không có biện pháp nào cho ra kết quả chính xác 100%. Cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt là tự theo dõi sức khỏe của mình. Hãy chú ý đến những dấu hiệu bất thường nếu có và đi khám ngay để được tư vấn và hỗ trợ bạn nhé!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cancer.org/cancer/prostate-cancer.html
- https://www.cdc.gov/cancer/prostate/basic_info/index.htm