Lợi ích dinh dưỡng của phô mai đối với trẻ từ 6 tháng tuổi
Trẻ nhỏ khi nào ăn được phô mai là băn khoăn chung của nhiều cha mẹ có con trong độ tuổi ăn dặm. Phô mai ngon và mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên cũng là một trong những thực phẩm dễ gây dị ứng ở trẻ nhỏ. Đó là lý do vì sao Genetica thực hiện nội dung này và mang đến cho bạn những thông tin chính xác nhất. Hãy cùng đọc để tìm hiểu thêm nhé!
1, Khi nào trẻ có thể ăn phô mai?
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ có thể ăn phô mai khi con được 7 đến 8 tháng tuổi. Mặc dù phô mai được làm từ sữa - một trong những thực phẩm dễ gây dị ứng ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng không nhất thiết phải đợi đến khi trẻ được 1 tuổi để được làm quen với phô mai. Khi con đã thử và dung nạp được những thực phẩm ít gây dị ứng hơn như rau, trái cây hoặc ngũ cốc, cha mẹ có thể dần thêm phô mai vào thực đơn ăn dặm của bé.
Ngoài ra, khi giới thiệu một loại thực phẩm dễ gây dị ứng, AAP khuyên bạn nên cho bé ăn ở nhà, thay vì ở nhà trẻ hoặc nhà hàng. Trong những ngày đầu, mẹ chỉ nên cho trẻ ăn một chút phô mai cùng các thức ăn khác mà con đã ăn quen. Bằng cách này, mẹ có thể theo dõi các dấu hiệu không dung nạp hoặc phản ứng dị ứng như tiêu chảy, nôn mửa hoặc phát ban và biết điều gì có thể gây ra phản ứng đó.
Nếu gia đình có tiền sử dị ứng hoặc không dung nạp sữa, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để nhận được những lời khuyên về thời điểm giới thiệu cũng như loại phô mai phù hợp trước khi thêm vào thực đơn của bé.
2, Những loại phô mai nên ăn và cần tránh đối với trẻ dưới 1 tuổi
Vậy loại phô mai nào tốt cho trẻ dưới 1 tuổi? Nhìn chung, mẹ nên giới thiệu các loại phô mai mềm, ít muối như ricotta, phô mai mozzarella tươi, phô mai cheddar để phục vụ cho bé từ 7-8 tháng tuổi. Khi con lớn hơn, có thêm răng và kỹ năng nhai nuốt tốt hơn, mẹ có thể chọn các loại phô mai có kết cấu chắc hơn và có hương vị. Mẹ cần tránh cho em bé hoặc trẻ mới biết đi ăn những miếng phô mai cứng, vì chúng có nguy cơ gây hóc nghẹn.
Dù lựa chọn loại phô mai nào, các chuyên gia luôn nhắc đến các yếu tố:
Được làm từ sữa tiệt trùng: Các loại phô mai được làm từ nguồn sữa chưa tiệt trùng (hoặc sữa tươi) có thể bị nhiễm vi khuẩn listeria monocytogenes - một loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thậm chí là tử vong. Hơn nữa, chưa có bằng chứng nào chứng minh việc đun nóng có thể tiêu diệt hoàn toàn các loại vi khuẩn có trong phô mai chưa tiệt trùng. Vì vậy, tốt nhất nên mua đúng loại phô mai đã được tiệt trùng để phục vụ cho trẻ dưới 3 tuổi.
Tránh xa các loại phô mai đã qua chế biến: Bởi chúng thường chứa nhiều muối và các chất hóa học như chất bảo quản, gia vị… không phù hợp với bé. Mẹ nên tìm các loại phô mai tự nhiên, nguyên chất trong các cửa hàng hữu cơ để cho trẻ ăn.
Chú ý đến lượng muối (natri) có trong phô mai: Để giữ độ ẩm của phô mai và ngăn vi khuẩn phát triển, nhiều loại phô mai có hàm lượng muối khá cao, khoảng 300-450 mg mỗi khẩu phần trong khi lượng muối được khuyến nghị cho trẻ dưới 12 tháng tuổi là 400mg mỗi ngày. Do đó mẹ nên chọn các loại phô mai dê, pho mát mozzarella, phô mai cheddar có hàm lượng natri thấp hơn với khoảng 50-100 mg mỗi khẩu phần. Những loại phô mai này cũng là những lựa chọn ngon, mềm cho bé.
3, Lợi ích dinh dưỡng từ phô mai
Phô mai là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời, cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của răng và xương. Ngoài ra, trong phô mai chứa rất nhiều vitamin bao gồm vitamin B12, vitamin D, riboflavin và niacin - là những chất rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện của con.
Đặc biệt, thêm phô mai vào thực đơn của bé là một cách dễ dàng để tăng cường protein và chất béo lành mạnh. Mẹ có thể kết hợp phô mai với nhiều loại thực phẩm khác nhau như bánh mì, mì ống, thịt, tôm, cá hồi… cũng rất hợp và bổ dưỡng.
4, Trẻ từ 6 tháng tuổi nên ăn bao nhiêu phô mai?
Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, phần lớn nhu cầu canxi của trẻ được đáp ứng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ở giai đoạn này, bé chủ yếu phát triển các kỹ năng nhai, nuốt thức ăn, vì vậy mẹ không cần quá lo lắng về khẩu phần ăn dặm của bé.
Khi được 12 tháng tuổi, nhu cầu canxi của trẻ mới biết đi tăng lên và nhiều trẻ thường cai sữa trong giai đoạn này. Theo khuyến cáo, trẻ mới biết đi nên ăn 2 - 2,5 khẩu phần thực phẩm từ sữa hàng ngày. Mẹ có thể hình dung một khẩu phần tương đương với khoảng 240ml sữa nguyên chất, 28 - 42 gram pho mát ít muối hoặc 90 - 120 ml sữa chua.
Đôi khi, trẻ có thể ăn tất cả khẩu phần sữa trong ngày dưới dạng phô mai, tuy nhiên mẹ nên chú ý điều chỉnh để con có một chế độ ăn uống đa dạng theo thời gian. Đặc biệt, trẻ mới biết đi thường rất thích sữa và các chế phẩm từ sữa bao gồm phô mai, vì vậy hãy lưu ý đến lượng sữa con tiêu thụ trong một ngày. Sữa là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời nhưng trẻ uống quá nhiều sữa thì sẽ no và không muốn ăn các thực phẩm khác, dẫn đến thiếu dinh dưỡng và làm tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.
5, Phô mai làm gì ngon cho bé? Một số công thức ăn dặm dễ làm cho trẻ từ 6 tháng tuổi
Phô mai có thể gây hóc nghẹn ở trẻ nhỏ nếu không được cắt hình dạng phù hợp. Để đảm bảo an toàn khi cho bé ăn riêng phô mai, hãy cắt miếng phô mai mỏng, dài bằng ngón tay hoặc bào thành sợi.
Ngoài ra, phô mai có thể chế biến thành nhiều món khác nhau để bổ sung cho bé ăn ngon miệng. Nếu mẹ chưa biết nấu gì ngon với phô mai thì có thể tham khảo một số công thức dễ làm dưới đây:
Trứng bác phô mai: Món ăn này rất đơn giản và chỉ cần nấu trong vài phút. Mẹ có thể bác trứng cùng một ít phô mai để tăng thêm hương vị và dinh dưỡng cho món ăn.
Bánh mì nướng phô mai: Bánh mì lát bỏ viền sau đó đem nướng bằng máy hoặc áp chảo, khi bánh đã nóng giòn, phết phô mai lên mặt bánh là món ăn đã hoàn thành. Nên lưu ý lựa chọn các loại bánh mì được làm từ ngũ cốc lên men hoặc ngũ cốc nảy mầm, tốt cho trẻ nhỏ.
Mì Ý phô mai và đậu Hà Lan: Mì ống, bơ, pho mát ricotta bào và đậu Hà Lan nghiền là sự kết hợp tuyệt vời vừa ngon vừa bổ dưỡng. Ngoài ra, có thể thêm các nguyên liệu khác như tôm, thịt xay, cà rốt… để làm mới món ăn và kích thích trẻ ăn ngon miệng.
Thịt viên phô mai: Làm thịt viên như bình thường với nhân phô mai bên trong. Món ăn vừa quen vừa lạ được các bé rất thích. Mẹ hãy thử nhé.
Như vậy, mẹ vừa khám phá những cách cho trẻ làm quen với phô mai. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, không giống nhau, vì vậy mẹ cũng không nên so sánh hoặc ép con mình ăn giống “con nhà hàng xóm”. Điều quan trọng hơn trong giai đoạn ăn dặm là làm sao để bé yêu thích và luôn hứng thú khám phá các loại thực phẩm. Nếu bé chưa thích phô mai ở lần thử đầu tiên, mẹ hãy kiên trì giới thiệu cho con vài lần sau đó nhé!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.whattoexpect.com/first-year/baby-feeding/when-can-babies-eat-cheese
- https://solidstarts.com/foods/cheese/
- https://www.babyledweaningtribe.com/how-to-introduce-cheese-to-your-baby-led-weaning-baby/
- https://www.yummytoddlerfood.com/cheese-for-baby/