5 lưu ý giúp kiểm soát bệnh tiểu đường
Không ai có thể kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn chính bản thân người bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đái tháo đường thường chủ quan, xem nhẹ bệnh lý nguy hiểm này dẫn đến chăm sóc sức khỏe không đúng cách. Sau đây là 5 lưu ý quan trọng mà người bệnh tiểu đường và người thân trong gia đình nên biết.
1, Ăn uống lành mạnh
Dinh dưỡng là yếu tố thiết yếu trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Điều quan trọng là người bệnh cần đảm bảo các bữa ăn đa dạng và cân đối, để giữ được sự ổn định của đường huyết và tăng cường sức khỏe của hệ thống miễn dịch. Do đó rất cần sự tự ý thức của người bệnh, nhắc nhở của người thân trong gia đình để đảm bảo một chế độ ăn lành mạnh.
- Ưu tiên những loại thực phẩm ít calo như các loại hạt ngũ cốc, đậu đỗ, gạo lứt, bánh mì,...
- Tăng cường chất xơ từ rau xanh và trái cây bằng cách ăn trực tiếp. Không nên thêm các loại kem, sữa, nước sốt có chất béo vào rau và trái cây.
- Chọn chất đạm nạc như cá, thịt nạc, trứng, sữa.
- Nên chế biến đồ ăn luộc, hấp, hạn chế đồ chiên rán.
- Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhiều đường, nhiều chất béo.
- Uổng đủ nước. Cần nhấn mạnh điều này vì bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 rất dễ bị mất nước. Đường huyết tăng, thận phải hoạt động nhiều hơn để đào thải lượng đường thừa ra ngoài. Thận hoạt động quá mức, người bệnh đi tiểu nhiều hơn và tăng nguy cơ mất nước.
Tốt nhất, người bệnh nên chia 50% khẩu phần ăn dành cho chất xơ, vitamin của rau củ quả; 25% cho tinh bột và 25% cho chất đạm như ảnh minh họa dưới đây. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cũng cần lưu ý ăn đúng bữa. Một ngày gồm 3 bữa chính (sáng, trưa, tối) và hai bữa phụ (xế trưa, xế chiều).
Nguồn ảnh: Drvarsha
2, Hoạt động thể chất
Vận động thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc các biến chứng khác, bao gồm cả bệnh tim và tổn thương thần kinh. Cụ thể, vận động sẽ giúp người bệnh có cơ hội kiểm tra những tổn thương bàn chân khi mang giày dép hoặc khi di chuyển.
Biến chứng thần kinh, mất cảm giác chi dưới là biến chứng thường gặp và nguy hiểm của tiểu đường. Điều này có thể là sự khởi phát âm thầm cho một tình trạng nhiễm trùng nặng nếu những tổn thương không được phát hiện và xử lý sớm. Người bệnh có thể tập yoga, aerobic, tập cùng tạ nhỏ, đạp xe hoặc chạy trên máy, đi bộ… Nên tập ít nhất từ 30 - 60 phút mỗi ngày để duy trì cân nặng và tăng cường sức khỏe.
3, Theo dõi đường huyết
Kiểm soát lượng đường thường xuyên giúp phòng tránh được các biến chứng do tăng hoặc hạ đường huyết quá mức. Người bệnh nên kiểm tra mức đường huyết một hay nhiều lần trong ngày, nhất là khi chỉ số đường huyết biến động bất thường. Chỉ số các lần đo cần ghi chép lại trong một quyển sổ theo dõi và báo lại bác sĩ ngay khi cần.
4, Tuân thủ dùng thuốc
Dùng thuốc trị bệnh tiểu đường và tất cả vấn đề sức khỏe khác ngay cả khi thấy khỏe. Nên nhớ, dinh dưỡng là thiết yếu nhưng tuân thủ dùng thuốc mới là quyết định cho việc điều trị hiệu quả hay không.
5, Chăm sóc bàn chân
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC nhấn mạnh khoảng 50% bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng tiểu đường - tổn thương thần kinh, mất cảm giác chi dưới. Việc chăm sóc bàn chân có thể ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường. Kiểm tra giúp xác định các dấu hiệu cảnh báo sớm về tổn thương thần kinh hoặc chấn thương nhẹ có thể dẫn đến viêm loét sau này.
Người bệnh không nên bỏ qua việc chăm sóc bàn chân theo các bước dưới đây:
- Kiểm tra bàn chân hàng ngày để xem có bị vết đứt, phồng rộp da, đốm đỏ và sưng phù hay không.
- Rửa chân mỗi ngày bằng nước ấm
- Giữ ẩm cho bàn chân và gót chân bằng các loại kem chống nẻ
- Cắt giũa móng chân
- Không bao giờ đi chân đất ở trong nhà hay khi ra ngoài
- Nên đi tất và thay tất hàng ngày
- Không tự cắt các vết chai chân mà dùng miếng bọt biển chà xát sau khi tắm để chai chân mòn dần
- Gác chân lên cao, ngọ nguậy các ngón chân vài phút vài lần trong ngày giúp tăng cường lưu thông máu
Trên đây là 5 lưu ý rất quan trọng trong việc duy trì mục tiêu đường huyết ổn định, phát hiện những biến chứng sớm của bệnh và giảm thiểu nguy cơ tử vong cho bệnh nhân tiểu đường. Không chỉ người bệnh mà những người thân trong gia đình cũng cần biết để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh đái tháo đường.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cdc.gov/diabetes/managing/care-schedule.html
- https://www.cdc.gov/diabetes/ndep/pdfs/4steps/4steps-vietnamese.pdf