Dị ứng nấm mốc là gì? Triệu chứng và cách phòng tránh
Bạn thường xuyên bị hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa mũi, đặc biệt mỗi khi trời mưa? Bạn thường xuyên thấy khó chịu khi bước vào một gian phòng ẩm thấp lâu ngày chưa được quét dọn? Nếu những vấn đề trên xảy ra, rất có thể bạn đang gặp phải dị ứng với nấm mốc. Loại dị ứng này thường không quá nguy hiểm, nhưng nó có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu từ ngày này qua ngày khác. Hãy cùng Genetica tìm hiểu về dị ứng nấm mốc qua bài viết dưới đây nhé!
1, Dị ứng nấm mốc là gì?
Nấm mốc thường lan truyền trong không khí. Một số dạng nấm mốc sẽ phát tán trong thời tiết khô và gió, trong khi nhiều loại nấm mốc khác sẽ lan truyền theo sương hoặc sương mù khi độ ẩm cao. Mặc dù có nhiều loại nấm mốc, nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra chỉ có vài chục loại nấm mốc thực sự gây ra tình trạng dị ứng.
Hít phải bào tử nấm có thể gây ra triệu chứng dị ứng ở một số người. Nấm mốc có thể mọc ở nhiều nơi, cả trong nhà lẫn ngoài trời vào bất kỳ thời gian nào, nên các triệu chứng dị ứng có thể xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, dị ứng nấm mốc thường gây triệu chứng nặng nhất từ khoảng tháng 7 đến khi mùa thu bắt đầu.
2, Triệu chứng dị ứng nấm mốc như thế nào?
Các triệu chứng nấm mốc thường từ nhẹ đến nặng tùy vào từng người. Bạn có thể gặp chúng quanh năm hoặc các triệu chứng bùng phát vào một thời điểm nhất định trong năm. Các triệu chứng này thường bao gồm:
- Hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi
- Ngứa mắt hoặc chảy nước mắt
- Da khô, ngứa ngáy
- Ho và ngứa cổ họng
Ban đầu, bạn có thể nhầm lẫn các triệu chứng này với cảm lạnh hoặc viêm xoang, bởi các triệu chứng khá giống nhau. Bên cạnh đó, nếu bạn gặp vấn đề về hen suyễn, dị ứng nấm mốc cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này, chẳng hạn như ho, khó thở, tức ngực...
Đôi khi, một số bệnh nhân có thể mắc phải một vấn đề nghiêm trọng hơn, gọi là tình trạng phế quản phổi dị ứng. Trong tình trạng này, có cả phản ứng dị ứng và phản ứng viêm đối với nấm mốc xảy ra. Các triệu chứng cũng bao gồm ho, khó thở và khò khè nghiêm trọng tương tự như hen suyễn.
3, Nguyên nhân gây dị ứng nấm mốc
Một số yếu tố có thể khiến bạn dễ bị dị ứng với nấm mốc hoặc các triệu chứng của dị ứng sẽ nghiêm trọng hơn. Các yếu tố này có thể kể đến như:
- Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình bạn có người bị dị ứng hoặc hen suyễn, khả năng bạn bị dị ứng với nấm mốc cũng cao hơn.
- Môi trường làm việc dễ tiếp xúc với nấm mốc: một số nghề nghiệp khiến bạn có thể có nguy cơ tiếp xúc với nấm mốc cao hơn như nông nghiệp, khai thác gỗ, làm bánh, nghề mộc hoặc sửa chữa…
- Độ ẩm cao: độ ẩm trong nhà hoặc nơi làm việc cao hơn 50% có thể làm gia tăng sự xuất hiện của nấm mốc.
- Hệ thống thông gió kém: ngôi nhà với cửa sổ và cửa ra vào thường xuyên bị đóng kín có thể giữ hơi ẩm trong nhà, giảm bớt sự thông thoáng, tạo điều kiện lý tưởng cho nấm mốc phát triển. Các khu vực thường xuyên ẩm ướt như nhà tắm, nhà bếp hoặc tầng hầm là dễ xảy ra nấm mốc nhất.
4, Cách phòng tránh dị ứng nấm mốc
Tương tự nhiều loại dị ứng khác, cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ dị ứng nấm mốc là không tiếp xúc với chúng. Dưới đây là một số mẹo nhỏ có thể giúp giữ ngôi nhà của bạn luôn sạch sẽ, không có nấm mốc phát triển:
- Thường xuyên lau dọn, vệ sinh nhà cửa.
- Loại bỏ các nguồn gây ẩm ướt trong nhà, chẳng hạn như rò rỉ ống nước hoặc thấm nước ngầm tại trần.
- Sử dụng máy hút ẩm ở khu vực dễ ẩm ướt. Giữ cho độ ẩm trong nhà không quá cao.
- Thay đổi hoặc vệ sinh bộ lọc trong điều hòa/ máy sưởi thường xuyên để loại bỏ nấm mốc.
- Nên có quạt thông gió tại phòng tắm. Sau khi tắm, hãy gạt nước và sử dụng quạt thông gió để phòng tắm luôn khô ráo.
- Giữ cho các thùng, hộp luôn sạch sẽ, khô ráo.
- Hạn chế tích trữ đồ vật, giấy báo cũ vì đây là nơi dễ gây ra nấm mốc.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể làm các xét nghiệm gen sàng lọc để biết liệu mình có nguy cơ cao bị dị ứng với nấm mốc hay không. Đừng để ngôi nhà của bạn trở thành nơi ẩn nấp mối nguy đối với sức khỏe của mình, bạn nhé!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mold-allergy/symptoms-causes/syc-20351519
- https://www.aafa.org/mold-allergy/
- https://www.healthline.com/health/allergies/mold-allergy-symptoms